Kết quả đạt được

Liên kết website

HIV và cách phòng tránh
Ngày đăng: 08/08/2011   |  
        

 

HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Human Immunodeficiency Virus" là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.


AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Acquired Immune Deficiency Syndrome" là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong.


Khi xâm nhập vào cơ thể con người, HIV tìm cách tấn công vào bạch cầu gây tàn phá hệ miễn dịch. Sau một thời gian, khi các tế bào CD4 bị tiêu diệt nhiều, khả năng chống đỡ với mầm bệnh bị giảm. Cơ thể sẽ bị mầm bệnh tấn công sinh ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm dẫn đến cái chết.


Sau khi nhiễm HIV, cơ thể sẽ trải qua 4 giai đoạn bệnh lý lâm sàng như sau:

 

Giai đoạn lâm sàng 1 (Không có triệu chứng): bệnh lý hạch lympho toàn thân dai dẳng (hạch >1cm không đau, ở hai vị trí trở lên không tiếp giáp nhau, không có nguyên nhân và kéo dài trên 3 tháng). 


Giai đoạn lâm sàng 2 (Triệu chứng nhẹ): Giai đoạn này, cơ thể sút cân mức độ vừa không rõ nguyên nhân (<10% trọng lượng cơ thể); nhiễm trùng đường hô hấp tái diễn(viêm xoang, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm hầu họng); Zona (Herpes zoster); viêm khóe miệng; loét miệng tái diễn; phát ban mẩn ngứa; viêm da bã nhờn; nhiễm nấm móng.


Giai đoạn lâm sàng 3 (Triệu chứng tiến triển): Sút cân mức độ nặng không rõ nguyên nhân (>10% trọng lượng cơ thể); tiêu chảy không rõ nguyên nhân kéo dài hơn 1 tháng; sốt không rõ nguyên nhân liên tục hoặc từng đợt kéo dài hơn 1 tháng; nhiễm nấm candida miệng tái diễn; bạch sản dạng lông ở miệng; lao phổi; nhiễm trùng nặng do vi khuẩn (viêm phổi, viêm mủ màng phổi, viêm đa cơ mủ, nhiễm trùng xương khớp, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết); viêm loét miệng hoại tử cấp, viêm lợi hoặc viêm quanh răng; thiếu máu (Hb<80g/L), giảm bạch cầu trung tính (<0.5x109/L), và/hoặc giảm tiểu cầu mạn tính (<50x109/L) không rõ nguyên nhân.


Giai đoạn lâm sàng 4 (Triệu chứng nặng): Hội chứng suy mòn do HIV (sút cân > 10% trọng lượng cơ thể, kèm theo sốt kéo dài trên 1 tháng hoặc tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng không rõ nguyên nhân); viêm phổi do Pneumocystis jiroveci(PCP); nhiễm Herpes simplex mạn tính (ở môi miệng, cơ quan sinh dục, quanh hậu môn, kéo dài hơn 1 tháng hoặc bất cứ đâu trong nội tạng); nhiễm candida thực quản (hoặc nhiễm candida ở khí quản, phế quản hoặc phổi); lao ngoài phổi; Sarcoma Kaposi; bệnh do Cytomegalovirus (CMV) ở võng mạc hoặc ở các cơ quan khác; bệnh do Toxoplasma ở hệ thần kinh trung ương; bệnh lý não do HIV; bệnh do Cryptococcus ngoài phổi bao gồm viêm màng não; bệnh do Mycobacteria avium complex (MAC) lan tỏa; bệnh lý não chất trắng đa ổ tiến triển (Progessive multifocal leukoencephalopathy – PML); tiêu chảy mạn tính do Cryptosporidia, doIsospora; bệnh do nấm lan tỏa (bệnh nấm Penicillium, bệnh nấm histoplasmangoài phổi); nhiễm trùng huyết tái diễn (bao gồm nhiễm Salmonella không phải thương hàn); u lympho ở não hoặc u lympho non-Hodgkin tế bào B; ung thư cổ tử cung xâm nhập (ung thư biểu mô); bệnh do Leishmania lan tỏa không điển hình; bệnh lý thận do HIV; viêm cơ tim do HIV. 


HIV lây truyền qua ba con đường: Tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con (Lúc mang thai, khi sinh hoặc khi cho con bú).


Một số biện pháp phòng bệnh tổng quát:


Đường tình dục:


+     Không quan hệ tình dục bừa bãi;


+     Chung thủy với một bạn tình duy nhất biết chắc không bị nhiễm HIV;


+     Sử dụng bao cao su đúng cách.


Đường máu:


+     Không tiêm chích ma túy;


+     Sử dụng bơm kim tiêm dùng một lần;


+     Sử dụng riêng bàn chải đánh răng, đồ cắt móng tay, dao cạo,….


+     Khử trùng dụng cụ có thể gây chảy máu dùng lại bằng cách đun sôi 20 phút tính từ lúc sôi;


+     Mang bao tay khi tiếp xúc với máu hay dịch tiết.


Mẹ truyền sang con:


+     Phụ nữ nhiễm HIV không nên mang thai;


+     Nếu muốn mang thai cần được tham vấn và điều trị phòng ngừa lây truyền sang con.


Một số địa chỉ xét nghiệm và tham vấn tại TpHCM:


+     Ủy ban phòng chống AIDS Tp.HCM;


+     Trung tâm tham vấn và xét nghiệm HIV của các Quận huyện.


 

                                                                                                                 

                                                                                      Đỗ Thị Nga

(Trích nguồn Bộ Y tế và T4G Tp.HCM)