Kết quả đạt được

Liên kết website

Phòng tránh bệnh Tay-Chân-Miệng
Ngày đăng: 01/06/2011   |  
        

 

Hiện nay bệnh Tay-Chân-Miệng (TCM) đang gia tăng và đã có một số ca tử vong. Số ca mắc bệnh xảy ra cả ở khu vực gia đình và khu vực trường mầm non, nhóm trẻ công lập, dân lập. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi). Việc phát hiện muộn sẽ gây biến chứng nặng nề dẫn đến tử vong (do viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi...) nếu không được xử trí kịp thời. Vì vậy việc phòng bệnh cũng như phát hiện và xử trí bệnh kịp thời là rất cần thiết.


Nguyên nhân gây bệnh TCM là gì?


Tác nhân gây bệnh TCM trước đây được biết là virus Coxsackie. Khảo sát tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã xác nhận sự hiện diện của Enterovirus 71 và virusCoxsackie trong các đợt dịch bệnh tại TP.HCM. Tác nhân Enterovirus 71  nguy hiểm vì nó có thể gây bệnh với diễn tiến nhanh, nhiều biến chứng nặng ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

 

 

Hình 1: Coxsackie virus

 

 

 

Hình 2: Enterovirus 71

 

Bệnh TCM lây lan bằng đường nào?


-  Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh được văng ra trong lúc ho, hắt hơi.


-  Do trẻ lành cầm nắm đồ chơi, sờ chạm vào sàn nhà bị dây dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh.


-  Ngoài ra bệnh còn lây cho trẻ qua bàn tay chăm sóc của các cô bảo mẫu.


Virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết và từ đó sẽ phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc.


Bệnh TCM được nhận biết ra sao?


-  Xuất hiện bóng nước có kích thước từ 2 - 10 mm ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau, không gây ngứa.


-  Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng rất đau và làm trẻ bỏ ăn.


Dấu hiệu kèm theo là trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự lành sau 5 - 7 ngày không để lại sẹo. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.

 

 

Hình 3: Biểu hiện của trẻ bị bệnh TCM.

 

 

Bệnh TCM nguy hiểm như thế nào?


Trong đa số các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là do Enterovirus 71, thì có thể có biến chứng nặng và thậm chí dẫn đến tử vong (do viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi...) nếu không được xử trí kịp thời.


Các biến chứng thường gặp của bệnh TCM là: viêm màng não,  liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân, thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.


Phát hiện sớm các biến chứng của bệnh TCM bằng cách nào?


-  Trẻ có biến chứng viêm não, viêm màng não thường không có biểu hiện hôn mê sâu mà có những biểu hiện ban đầu khó nhận thấy như: quấy khóc liên tục, giật mình chới với lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể có biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, run chi, co giật. Diễn tiến rất nhanh đến co giật, khó thở, suy hô hấp, rối loạn vận mạch, sốc thần kinh.


-  Ngoài ra trẻ có các dấu hiệu như: sốt rất cao không hạ được, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh, thở bất thường, yếu tay chân cũng có thể trẻ có biến chứng.


Lưu ý: Cần chú ý phát hiện sớm biến chứng viêm não, màng não và đưa trẻ đến bệnh viện trong vòng 6 giờ đầu sau khi xuất hiện các biểu hiện của biến chứng để được cấp cứu kịp thời.


Phòng bệnh TCM như thế nào?


Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh nên cần thực hiện tốt các biện pháp sau:


1. Rửa tay: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.

 

 

Hình 4: Để phòng bệnh TCM nên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng 
trước khi ăn và sau khi vệ sinh.

 

2. Vệ sinh, rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng xà bông. Định kỳ khử trùng các đồ chơi, vật dụng của trẻ 1 - 2 lần/tuần bằng dung dịch Chloramin B 20% (20g trong 1 lít nước) hoặc nước Javel 0.5% (pha 1 phần Javel với 9 phần nước).

 



 

Hình 5: Các dung dịch khử trùng


3. Trường hợp có trẻ bệnh, phải tiến hành khử trùng vật dụng, đồ chơi ngay sau khi trẻ vừa chơi hoặc sử dụng xong.


4. Vệ sinh nhà cửa mỗi ngày, khử khuẩn hằng tuần, lau rửa sàn nhà và các khu vực sinh hoạt của trẻ (trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình, hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi) với các dung dịch khử trùng trên; sau đó cần duy trì trở thành thói quen tốt, thường xuyên và kết hợp với các biện pháp phòng bệnh các nhân cho trẻ, giáo viên, lao công, người giữ trẻ, người chăm sóc trẻ để phòng các bệnh lây qua đường tiếp xúc.


5. Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho.


6. Cách ly trẻ bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7 ngày) để tránh lây cho các trẻ khác tại nhà trẻ, mẫu giáo.

 

 

Khoa Thông tin Đào tạo

                                                                        Trích nguồn T4G 

Tập tin Tiếng Việt:

Các tin khác cialis