Kết quả đạt được

Liên kết website

Cách phòng tránh bệnh Rubella
Ngày đăng: 01/06/2011   |  
        

 

Bệnh Rubella (hay còn gọi là bệnh sởi Đức) là một bệnh truyền nhiễm, do virus Rubella gây nên. Bệnh lưu hành trên toàn thế giới, thường xuất hiện vào mùa Đông – Xuân, có thể xảy ra thành dịch. Mặc dù là bệnh lành tính, nhưng bệnh Rubella lại đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai nhất là 3 tháng đầu vì dễ bị sảy thai, thai chết lưu trong tử cung hoặc gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi như điếc, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp bẩm sinh, thông ống động mạch, tật đầu nhỏ, viêm não – màng não, chậm phát triển trí tuệ…

 

 

Hình 1: Virus Rubella

 

Bệnh diễn tiến qua 3 giai đoạn:


Thời kỳ ủ bệnh:

 

Từ 12 – 23 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Thời gian này người bệnh đã bị nhiễm virus, nhưng chưa có biểu hiện bệnh.


Thời gian phát bệnh:


- Sốt nhẹ trên 370C kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, chảy mũi trong, đau họng, đôi khi có đỏ mắt.


- Phát ban: Ban đỏ, từng đốm lan tỏa, ban dát sần. Đặc biệt ban mọc đầu tiên ở mặt, sau đó lan ra thân mình.


- Đau khớp.


- Nổi hạch cổ.


Thời kỳ lui bệnh:


Các triệu chứng bệnh kéo dài từ 3 – 4 ngày rồi tự hết. Riêng triệu chứng đau khớp có thể kéo dài lâu hơn. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời với bệnh.

 

Sự lây lan của bệnh:


Bệnh Rubella lây truyền qua đường hô hấp khi người lành:


- Hít phải những giọt dịch tiết đường mũi họng (nước bọt, nước mũi) có chứa virus của người bệnh khi tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt với người bệnh.


- Tiếp xúc với các vật dụng, các bề mặt (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi…) có dính chất tiết mũi họng của người bệnh.


Điều kiện thuận lợi để bệnh Rubella lan rộng là: Điều kiện sống chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu điều kiện vệ sinh. Người bị bệnh Rubella có thể lây truyền bệnh cho người khác một tuần trước khi phát ban và từ 1 đến 2 tuần sau khi ban đã lặn hết.

 

Chăm sóc bệnh nhân Rubella:


Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng:


- Cho người bệnh ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây.


- Người bệnh cần được vệ sinh mũi họng (nhỏ mũi và súc họng) hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9‰.


- Nếu nhức đầu nhiều hoặc đau khớp có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau.


- Đối với trẻ nhỏ, cần giặt khăn bằng nước ấm để lau mình hàng ngày cho bé.

 

Phòng tránh bệnh Rubella


* Phát hiện bệnh sớm để tránh lây lan cho người khác.


* Cách ly người bệnh:


- Thời gian cách ly: từ lúc bắt đầu phát bệnh (phát ban) cho đến 7 ngày sau khi phát ban (trẻ em nên nghỉ học, người lớn nên nghỉ làm).


- Để người bệnh ở trong một phòng riêng, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời.


- Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng cho người bệnh.


* Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.


* Vệ sinh phòng ở của người bệnh: Lau sàn phòng, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi… của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Chloramin B sau đó rửa lại bằng nước sạch.


* Tiêm chủng vaccine: Vaccine phòng bệnh Rubella thông dụng hiện nay là loại vaccine MMR (Measle, Mumps, Rubella) phòng ngừa cho cả 3 bệnh là Sởi, Quai bị và Rubella.

 

 

Hình 2 : Vaccine phòng bệnh Sởi, Quai bị, Rubella

 


* Đối với phụ nữ đang mang thai:


- Tuyệt đối không được chích ngừa Rubella. Nếu lỡ mang thai trong vòng một tháng sau khi chích ngừa, nên đến khám tại các khoa sản của các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn.


- Để phòng tránh bệnh, cần thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng bệnh sau đây, nhất là trong 12 tuần đầu của thai kỳ: thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, không nên đến những nơi đông người nhất là vào thời gian dễ xảy ra dịch (từ tháng 12 đến tháng 6 hàng năm), mang khẩu trang khi đi ra đường, cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm các loại vitamin.

 

Những đối tượng sau đây không nên tiêm phòng vaccine phòng Rubella:


+ Những phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.


+ Những người dị ứng với thuốc Neomycine, dị ứng với trứng.


+ Những người có phản ứng với lần tiêm ngừa Rubella trước.


+ Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng những thuốc ức chế miễn dịch.


+ Bệnh nhân bị bệnh ác tính về máu.


+ Bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính (ví dụ mắc bệnh lao chưa được điều trị).


Có thể tiêm phòng vaccine phòng Rubella tại:


-  Viện Pasteur TP.HCM


-  Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố và Quận/Huyện


-  Các Bệnh viện…

 

 

Khoa Thông tin Đào tạo

Trích nguồn Sở Y tế TP.HCM